Bằng chứng thuyết phục Lãnh Sự Quán khi phỏng vấn diện vợ chồng?
Vào năm 2012 em có quen một cô gái người Mỹ khi cô ấy trở lại Việt Nam. Lúc đầu bọn em chỉ là bạn nhưng vài tháng trở lại đây do hai bên cảm thấy hợp nhau nên nảy sinh tình cảm với nhau. Bọn em đã dự định đến chuyện kết hôn và cô ấy muốn sau khi kết hôn sẽ bảo lãnh em sang Mỹ sinh sống cùng nhau. Vậy em muốn hỏi thủ tục để bảo lãnh và quan trọng nhất là những chứng cứ như thế nào thì có tính thuyết phục cao khi phỏng vấn ở Lãnh Sự Quán vì chúng em toàn call bằng ứng dụng của iPhone để tiết kiệm chi phí. Em xin cảm ơn. Hùng
Đáp
Chào anh Hùng,
Đầu tiên, SG VSIA xin chúc mừng anh đã tìm được người bạn đời, chuẩn bị kết hôn và có ý định xây dựng cuộc sống hôn nhân tại Mỹ.
SG VISA xin chia sẻ cùng anh và quý độc giả về cách chuẩn bị hồ sơ và cách xây dựng khối bằng chứng thuyết phục để giúp hồ sơ bảo lãnh vợ chồng lấy được visa đi Mỹ một cách hiệu quả nhất.
1. Các giai đoạn & quá trình xét duyệt hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng:
Giai đoạn 1 – USCIS
– Hoàn tất các giấy tờ và mẫu đơn cần thiết (đơn I-130, G-325A,..), sau đó gửi hồ sơ đến Sở Di Trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS).
– Khoảng 7-10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, USCIS gửi giấy thông báo (Đơn I797/I797C) cho người bảo lãnh với thông báo hồ sơ đã được nhận cùng số hồ sơ.
– Khoảng 6 – 9 tháng sau, USCIS tiếp tục gửi giấy chấp thuận (Đơn I-797C) với thông báo đã chấp thuận hồ sơ và chuyển qua Trung Tâm Chiếu Khán quốc gia (NVC – National Visa Center).
Giai đoạn 2 – National Visa Center.
– Sau khi nhận được hồ sơ từ USCIS, NVC sẽ gửi giấy thông báo hướng dẫn làm bảo trợ tài chánh và đóng các lệ phí sau: Lệ phí $88 (lệ phí để NVC xét bảo trợ tài chánh) và $230 (lệ phí xin visa cho người được bảo lãnh).
– Hoàn tất bộ bảo trợ tài chánh cũng như các giấy tờ cần thiết theo hướng dẫn của NVC.
– Thông thường NVC sẽ cấp lịch phỏng vấn kể từ sau 3 – 6 tháng sau khi nhận được bảo trợ tài chính và các giấy tờ theo luật.
Giai đoạn 3 – Phỏng vấn tại LSQ
– Khám sức khỏe, chích ngừa.
– Sắp xếp hồ sơ giấy tờ và phỏng vấn.
– Sau cuộc phỏng vấn, nếu viên chức lãnh sự được thuyết phục rằng đây là cuộc hôn nhân thật, người được bảo lãnh sẽ được cấp giấy chấp thuận cấp visa (giấy hồng) và sẽ nhận được visa khoảng 10 – 14 ngày sau đó qua đường bưu điện.
2. Xây dựng được khối bằng chứng thuyết phục
Thông thường một mối quan hệ bạn trai bạn gái gặp nhau và tìm hiểu nhau để tiến đến mối quan hệ hôn phu hôn thê hoặc vợ chồng sẽ là một quãng thời gian dài đáng kể và có nhiều bằng chứng đáng tin cậy. Để xây dựng được khối bằng chứng thuyết phục, anh Hùng và vợ cần làm theo thứ tự thời gian, và việc đầu tiên cần làm là quay lại khoảng thời gian ban đầu khi mới quen nhau, đặc biệt là lần đầu tiên anh và vợ mới quen biết nhau, ví dụ như ai đã từng giới thiệu anh và vợ biết nhau hoặc trong trường hợp nào một người ở Mỹ và một người ở Việt Nam lại có cơ hội quen nhau. Hầu hết tất cả những hồ sơ xin visa đi Mỹ theo diện vợ chồng sẽ đều được LSQ hỏi trong buổi phỏng vấn và các cuộc điều tra về lần đầu tiên liên lạc hoặc gặp nhau, nên nếu anh Hùng đã quen vợ mình qua một trung tâm môi giới có tính phí, thì bằng chứng anh có thể truy lại được là hóa đơn hoặc bản sao kê ngân hàng của anh cho thấy tài khoản ngân hàng của anh đã được trung tâm môi giới rút một khoản tiền cho việc họ giúp anh quen với chị. Hoặc giả sử anh chị quen nhau qua một website, như Vietfun, vietcupid hoặc Facebook, thì bằng chứng thuyết phục là những dòng thông tin anh chị đã trao nhau qua lần chat hoặc Email đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều người khi mới quen nhau lại không nghĩ về việc sau này sẽ trở thành bạn trai bạn gái, hôn thê hôn phu hoặc vợ chồng nên thường thì họ sẽ không lưu lại email hoặc lần chat đầu, nên những bằng chứng khác như bill điện thoại hoặc thẻ gọi quốc tế (international calling cards) cũng có thể được sử dụng là bằng chứng cho lần quen biết đầu.
Ngoài những bằng chứng của lần đầu liên lạc hoặc gặp nhau thì anh Hùng và vợ cần có những bằng chứng về sự duy trì của mối quan hệ như hình ảnh chụp chung; hóa đơn gửi tiền, hóa đơn gửi bưu phẩm, bưu thiếp, thư từ qua đường bưu điện; những lần viết thư qua Gmail, Yahoo, Facebook; những cuộc nói chuyện trực tuyến qua Yahoo chat voice; giấy “đăng ký tạm trú” khi người bảo lãnh về Việt Nam và ở lại nhà của người được bảo lãnh; cùi vé máy bay và lịch trình bay; khai sinh của con chung;…
http://baotreonline.com/Luat-phap/Hoi-dap-VISA-my/nhung-gi-chung-toi-phai-lam-ky-3.html
Một số bằng chứng có khả năng thuyết phục nhiều hơn những bằng chứng vừa nêu trên bao gồm, nhưng không giới hạn, tài sản đồng sở hữu. Một hồ sơ giả mạo sẽ khó để người bảo lãnh hoặc đương đơn mạo hiểm đưa tên người kia cùng đứng tên sở hữu nhà, xe, tài khoản ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khác. Vì khi họ chấm dứt mối quan hệ hoặc hồ sơ bảo lãnh đã thành công thì rất có thể người đồng sở hữu sẽ chiếm một nửa tài sản của họ. Giới chức chính phủ Hoa Kỳ hiểu rất rõ về điều này nên họ có ghi chú trong các tờ hướng dẫn cách điền đơn bảo lãnh.
Bất kể anh chị thương yêu người bạn đời của mình ra sao, bất kể các anh chị cảm thấy chuyện hôn nhân của mình thành thật ra sao, thì chỉ có các anh chị biết được sự thật này. Viên chức lãnh sự không biết cuộc hôn nhân này là thật hay giả. Họ cần phải được thuyết phục. Do đó, SG VISA luôn khuyến khích anh Hùng và quý độc giả nên tìm một văn phòng chuyên môn và uy tín để phụ trách hồ sơ bảo lãnh định cư ngay từ lúc đầu.
Nếu anh Hùng và các quý độc giả thân mến có những thắc mắc khác liên quan đến việc du học, du lịch, bảo lãnh định cư, hoặc đầu tư định cư theo chương trình EB-5 tại Mỹ, xin vui lòng nhập vào website của SG VISA: www.sgvisa.org, hoặc liên lạc cùng SG VISA để có thêm thông tin và kiến thức cụ thể và thực tế. Chúc anh sớm được đoàn tụ cùng vợ và cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình tại Mỹ.
Huy Tôn và SG VISA Team