Có thể song song mở hai hồ sơ định cư Mỹ được không?
Mẹ tôi được bác gái tôi bảo lãnh diện F4. Tôi được đi theo. Nhưng vì lịch visa tăng quá chậm nên có thể tôi sẽ bị quá tuổi để đi theo mẹ. Tôi cũng có quen bạn trai là thường trú nhân ở Mỹ. Anh là hàng xóm của bác gái tôi. Anh đã từng ly hôn một lần. Chúng tôi lại là người Công Giáo nên anh và tôi không thể tổ chức đám cưới trong nhà thờ được. Vậy nếu anh làm đơn bảo lãnh tôi theo diện vợ chồng mà chúng tôi chỉ làm hôn thú mà không tổ chức tiệc cưới được không? Chúng tôi cũng không thể sinh con ở Việt Nam được vì danh dự của gia đình tôi. Anh nói: việc bảo lãnh như vậy rất khó khăn để thuyết phục Lãnh Sự Quán cấp visa diện vợ chồng cho tôi. Điều này có đúng không? Anh e rằng chúng tôi phải chia tay… Tôi rất buồn và suy sụp. Vì chúng tôi rất hy vọng có thể được bên nhau sớm. Nhưng anh cảm thấy quá khó khăn nên anh nản lòng. Xin vui lòng giúp tôi.
Xin chân thành cảm ơn! Lê Thị Thúy Liên
Đáp
Chào chị Liên, SG VISA xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:
Điều đầu tiên, chị Liên chưa cung cấp đủ thông tin về hồ sơ F4 của chị như thế nào, cụ thể: ngày ưu tiên của hồ sơ, ngày được USCIS (Sở Di Trú Mỹ) chấp thuận, ngày sinh của chị, thông tin cá nhân (Chị có phải là con một trong gia đình không? Ngoại trừ mẹ chị thì chị có còn người thân nào ở Việt Nam không?…) Do đó, SG VISA không thể ước tính một cách tương đối rằng chị sẽ còn chờ thêm bao nhiêu năm nữa và có bị quá tuổi CSPA (Đạo luật bảo vệ tình trạng con độc thân dưới 21 tuổi) hay không và nếu quá tuổi thì chị có được cứu xét nhân đạo (nếu chị không còn bất kỳ người thân nào ở Việt Nam) hay không? Vì vậy, điều chị cần làm là nên đến một trung tâm dịch vụ uy tín để hiểu rõ hơn về hồ sơ của mình.
Thời gian bảo lãnh vợ/chồng của Thường trú nhân kéo dài khoảng 2.5 tới 3 năm. Nếu phỏng đoán được thời gian chờ tại NVC (Trung tâm Thị thực Quốc gia) thì chị sẽ dễ dàng đưa ra quyết định cho riêng mình.
- Trường hợp1: Nếu thời gian chờ hồ sơ F4 ở NVC nhỏ hơn 3 năm và ước tính không quá tuổi CSPA thì tốt nhất chị nên chờ đến ngày phỏng vấn tại Lãnh Sự Quán cùng mẹ ruột.
- Trường hợp 2: Nếu thời gian chờ hồ sơ F4 ở NVC lớn hơn 3 năm hoặc thời gian chờ hồ sơ F4 tuy ít hơn 3 năm nhưng ước tính sẽ quá tuổi CSPA thì tốt nhất chị nên làm giấy kết hôn với bạn trai và mở hồ sơ vợ/chồng sớm. Điều này đồng nghĩa với việc tên của chị sẽ bị loại khỏi hồ sơ F4 do chị không còn độc thân nữa. Việc tổ chức một tiệc cưới khi đăng ký kết hôn là điều cần thiết. Ngày cưới thể hiện cột mốc quan trọng của một đời người, hơn nữa nếu như chị chưa từng có cuộc hôn nhân nào trước đây thì nhất thiết nên có một buổi tiệc cưới, tiệc lớn hay nhỏ không quan trọng, quan trọng phù hợp với phong tục tập quán người Việt Nam và từ đó chị có thêm bằng chứng để thuyết phục viên chức Lãnh sự như: hình ảnh đám cưới, hình ảnh bà con hai họ đến chúc phúc gia đình, đặt tiệc, hóa đơn mua nhẫn…Và một khi đã trở thành vợ chồng hợp pháp thì việc sinh con chung dĩ nhiên cũng hoàn toàn trở nên hợp pháp mà không làm cho gia đình chị phải e ngại. Tuy nhiên, cũng có những cặp vợ chồng chỉ làm giấy hôn thú tại Sở Tư Pháp mà không tổ chức tiệc cưới. Sở dĩ như vậy vì có nhiều lý do, ví dụ: điều kiện kinh tế quá khó khăn, hai bên đã từng ly dị nhiều lần và đã quá lớn tuổi…Nhìn chung, cho dù chị có quyết định tổ chức tiệc cưới hay không thì điều quan trọng vẫn là làm sao thuyết phục được viên chức Lãnh sự phỏng vấn chị, làm cho họ tin chị dù chị ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Trường hơp 3: Nếu vừa muốn duy trì tình trạng độc thân để “đeo đuổi” hồ sơ F4 và vừa muốn được sớm đoàn tụ cùng bạn trai thì chị nên mở 2 hồ sơ song song. Một là hồ sơ diện F4 hiện tại, hai là mở thêm hồ sơ Hôn phu/Hôn thê. Tuy nhiên, để mở hồ sơ Hôn phu/Hôn thê thì bạn trai của chị cần có Bằng Quốc tịch. Mặt khác, để lấy được visa trong trường hợp này, chị cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt như: nắm vững những kiến thức về thông tin cá nhân – tài chính – mối quan hệ, bằng chứng liên lạc phải đầy đủ, logic, chặt chẽ… Những lời lẽ khi trả lời viên chức Lãnh sự phải hết sức tự tin, thuyết phục và phải biểu lộ được rằng chị qua Mỹ hoàn toàn với mục đích đoàn tụ cùng hôn phu chứ không phải để cố gắng được qua Mỹ sớm hơn hồ sơ F4.
SG VISA hy vọng đã phần nào giải đáp được thắc mắc của chị và các độc giả có quan tâm cùng vấn đề tương tự. Nếu chị và quý độc giả có những thắc mắc khác, xin liên hệ cùng SG VISA để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Chúc chị Liên sớm đưa ra cho mình một quyết định đúng đắn để có thể nhanh chóng được đoàn tụ bên những người mà chị yêu thương tại Hoa Kỳ.
Huy Tôn và SG VISA Team