Lãnh sự quán hỏi gì trong buổi phỏng vấn?
Theo thắc mắc của một số độc giả khác trong tháng vừa qua về vấn đề làm sao để thuyết phục và chuẩn bị trước cho những câu hỏi rất ư là riêng tư của đời sống hôn nhân giữa đương đơn và người bảo lãnh mà Lãnh sự quán (LSQ) thường đặt ra trong buổi phỏng vấn, SG VISA chúng tôi xin chia sẻ một số kiến thức thực tế được đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Bộ Phận Tái Định Cư Nhân Đạo (HRS) thuộc Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Việt Nam (LSQ).
Qua nhiều năm xét duyệt các hồ sơ theo các diện ODP, HO, Trẻ Lai, ROVR, HRS, vợ chồng, hôn thê hôn phu, thậm chí theo diện gia đình bảo lãnh nhau từ Việt Nam, số trường hợp đã cung cấp lời khai, thông tin, bằng chứng, và con người giả mạo nhằm lợi dụng luật di trú để thụ hưởng các phúc lợi định cư tại Mỹ là vô số, và LSQ đã đúc kết được một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng hồ sơ thật để cấp hoặc từ chối visa cho gia đình đương đơn. Những tiêu chuẩn này dựa vào “một người biết lý lẽ sẽ đánh giá hồ sơ” bao gồm, nhưng không giới hạn, những thông tin về các cá nhân liên quan đến hồ sơ, kiến thức về đời sống tại Mỹ cũng như ở Việt Nam, bằng chứng về mối quan hệ, và sự nhất quán trong những lời khai của đương đơn và người bảo lãnh.
Thật sự mà nói thì rất khó để hiểu được người biết lý lẽ sẽ đánh giá hồ sơ như thế nào, tuy nhiên nếu đương đơn và người bảo lãnh cung cấp thông tin không nhất quán ở bất cứ điểm nào trong hồ sơ đều có thể bị LSQ từ chối hồ sơ vì tiêu chuẩn người biết lý lẽ này. Trường hợp điển hình mà SG VISA thường gặp phải khi khách hàng tìm đến sự tư vấn của chúng tôi sau khi đã bị LSQ từ chối visa là đương đơn đã không có câu trả lời tự tin cho những câu hỏi riêng tư về đời sống vợ chồng giữa đương đơn và người bảo lãnh.
Ví dụ, vào tháng 6 năm 2013, có một cặp vợ chồng tìm đến SG VISA yêu cầu được tư vấn vì hồ sơ họ đã bị LSQ từ chối visa – người vợ 42 tuổi là công dân Mỹ bảo lãnh người chồng 40 tuổi là công dân Việt Nam. Họ kể rằng họ đã quen nhau được 6 năm trước khi kết hôn, và vì gia đình người vợ theo đạo công giáo và bố mẹ cô ta đã trên 70 tuổi nên họ đã không thể về Việt Nam làm đám cưới theo nghi lễ hôn phối trong nhà thờ của giáo hội. Vì vậy họ chưa thể sống chung với nhau như vợ chồng cho dù họ đã làm hôn thú. Tuy đã trở thành vợ chồng theo luật pháp nhưng họ vẫn không sống gần nhau nên những thông tin nhạy cảm về tình dục là việc mà họ chưa bao giờ bàn luận hoặc cùng nhau chia sẻ – ngay cả khi họ chia sẻ những điều này cùng SG VISA họ cũng rất thẹn thùng và cố gắng tránh né trả lời trực tiếp những câu hỏi về đề tài này. Nên trong buổi phỏng vấn khi phiên dịch viên hỏi,
Lần cuối 2 người ngủ chung, vợ anh mang đồ lót màu gì?
Đương đơn đã không thể trả lời câu hỏi này và một số câu hỏi tiếp theo liên quan đến vấn đề quan hệ vợ chồng, vì thật sự là họ đã chưa từng sống với nhau và quan hệ với nhau như vợ chồng. Trong lúc người chồng đang được phiên dịch viên phỏng vấn thì viên chức lãnh sự (VCLS) đã rời khỏi phòng để gọi điện thoại cho người vợ, vì lúc này người vợ vẫn còn ở Mỹ đợi người chồng đậu phỏng vấn mới quay về đón anh ta sang Mỹ đoàn tụ. Người vợ cũng đã trả lời là họ chưa từng ngủ với nhau và cô ta không hề biết về màu sắc đồ lót của chồng mình. VCLS đã hỏi tiếp một số câu hỏi khác liên quan đến vấn đề quan hệ vợ chồng giữa họ, nhưng người vợ đã không trả lời cụ thể câu nào. Cả đương đơn và người bảo lãnh đã nghĩ rằng mối quan hệ của họ là thật nên đã không chuẩn bị cho sự nhất quán trong câu trả lời về quan hệ vợ chồng, nhất là khi người vợ là người công giáo.
Sau hơn 30 phút chất vấn cả hai vợ chồng, VCLS đã lưu giữ toàn bộ hồ sơ mà người chồng đã mang vào buổi phỏng vấn, cấp cho người chồng một tờ giấy xanh – BLUE SHEET – và yêu cầu người chồng về đợi vì LSQ cần thêm thời gian để xét duyệt hồ sơ của họ. Theo lời tường thuật của 2 vợ chồng và sau khi đã kiểm tra thông tin trên tờ đơn VCLS đã cấp, SG VISA chúng tôi hiểu vợ chồng này đã phạm một sai lầm rất trầm trọng, đó là họ đã không chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn, và rằng họ đã không hiểu rằng sự thật trong văn hóa phong kiến của gia đình người vợ và chuẩn mực của đạo công giáo của cô đã là điểm yếu của hồ sơ, vì dựa theo tiêu chuẩn người biết lý lẽ thì VCLS rất khó tin một mối quan hệ vợ chồng đã quen nhau trên 7 năm (6 năm quen nhau và 1 năm tiến hành hồ sơ bảo lãnh) mà vẫn chưa quan hệ nam nữ.
SG VISA hiểu rằng LSQ sẽ điều tra mối quan hệ vợ chồng của hồ sơ này trong thời gian sớm nhất mà thời khóa biểu và nguồn nhân lực của LSQ cho phép. Thời gian chờ đợi LSQ điều tra có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng, hoặc có những trường hợp phải chờ đợi điều tra lâu hơn. Để giảm thiểu thời gian chờ đợi của gia đình này, SG VISA đã đại diện họ viết thư đến Thượng Nghị Sĩ tiểu bang người vợ đang sinh sống và yêu cầu văn phòng Thượng Nghị Sĩ đề nghị LSQ xúc tiến xét duyệt hồ sơ này càng sớm càng tốt. Đồng thời SG VISA cũng đã hướng dẫn cho đương đơn những bước cần làm để chuẩn bị cho cuộc điều tra sắp tới của LSQ. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đương đơn đều phải nắm rõ thông tin cá nhân của người vợ và mối quan hệ vợ chồng của họ, và bất cứ lúc nào LSQ cũng có thể trực tiếp đến nhà hoặc gọi điện thoại để điều tra họ. Gia đình đương đơn cũng hiểu rằng LSQ có thể giả danh người khác, như nhân viên bưu điện mong muốn xác nhận thông tin về những người ở trong nhà, khi gọi điều tra về người bảo lãnh. Ngoài những thành viên trong gia đình thì những hàng xóm gần nhà đương đơn cũng cần biết về mối quan hệ vợ chồng của họ, vì nếu LSQ đến khu phố của đương đơn để điều tra thì chắc chắn LSQ sẽ hỏi những hàng xóm có hàng quán gần nhà đương đơn hoặc những đứa trẻ con đang chơi gần đó.
Song song với những thông tin về mối quan hệ vợ chồng mà các thành viên trong gia đình và người hàng xóm cần cung cấp cho LSQ trong cuộc điều tra, SG VISA cũng đã yêu cầu người bảo lãnh gom góp tất cả bằng chứng về tôn giáo của gia đình cô ta và gửi về cho chồng cô chuẩn bị nộp cho LSQ.
Quý độc giả thân mến! Hồ sơ bảo lãnh đoàn tụ là một tiến trình dài hạn nên việc có được kiến thức để chuẩn bị kỹ lưỡng là điều tất yếu và cần được tiến hành sớm nhất có thể. Nếu quý độc giả có thắc mắc khác, vui lòng liên lạc SG VISA để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.
Huy Tôn và SG VISA Team