Xu hướng siết chặt di trú – Phần 4: EU vào cuộc sau cảnh báo “Golden Visa” rửa tiền
Hai tổ chức chống tham nhũng đã công bố những báo cáo chính thức về rủi ro rửa tiền thông qua các chương trình “hộ chiếu vàng (Golden visa)”, và EU đã phản ứng ngay lập tức.
Theo Euronews, mặc dù thật không công bằng khi nói rằng tất cả những người tham gia Hộ chiếu vàng đều tham nhũng, thiếu minh bạch hoặc có mối quan hệ bất chính với tội phạm, nhưng đã có một số trường hợp gần đây đặt ra hồi chuông cảnh báo. Ví dụ như đầu sỏ Oleg Deripaska, người đã được cấp quyền công dân Síp năm 2017 bất chấp chính quyền Mỹ đã thu hồi visa kinh doanh của ông này vào năm 2007 với lý do liên quan đến tội phạm có tổ chức ở Nga. Hồi đầu tháng 10 năm nay, tài sản của ông ta ở Mỹ đã bị chính quyền tịch thu.
Nhiều chương trình đã trở thành chìa khóa đa năng để tẩu táng nguồn tài sản bất chính
Một người nằm trong tầm ngắm về tội phạm quốc tế và tham nhũng lại có được quyền công dân EU, bao gồm cả quyền để sống, làm việc và tự do đi lại? Điều này cơ bản đã cho thấy sự giám sát lỏng lẽo và thiếu tính liên kết của các quốc gia EU trong chương trình Hộ chiếu vàng. Minh chứng rõ nhất cho trường hợp này là Rami Makhlouf, anh em họ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, người đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2008 vì đóng vai trò hỗ trợ tham nhũng ở Syria. Năm 2010, sau những nỗ lực mua quốc tịch Áo không thành công, ông ta đã trở thành một công dân Síp thông qua chương trình Hộ chiếu vàng. Vào tháng 5 năm 2011, EU đã trừng phạt Makhlouf nhưng mãi đến năm 2013, quyền công dân Síp của ông mới bị thu hồi.
Laure Brillaud, một cán bộ chính sách chống rửa tiền tại Transparency International EU đã tuyên bố rằng: các chương trình Hộ chiếu vàng quản lý kém là bản chất làm suy yếu an ninh tập thể của các công dân châu Âu. Và dưới đây là một số nội dung chính trong báo cáo từ tổ chức này:
- EU đã chào đón hơn 6.000 công dân mới và 100.000 cư dân thông qua chương trình Hộ chiếu vàng trong vòng 10 năm qua
- Các chương trình Hộ chiếu vàng ở tất cả các quốc gia thành viên đã tạo ra khoảng 25 tỷ euro
- Năm quốc gia hàng đầu cấp Hộ chiếu vàng là: Tây Ban Nha, Hungary, Latvia, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh
- Síp đã huy động được 4,8 tỷ euro kể từ năm 2013, trong khi Malta khoảng 718 triệu euro
Kết quả là, các cơ quan chống tham nhũng đã thúc giục EU:
- Thiết lập các tiêu chuẩn mới để ngăn chặn sự lạm dụng của các đề án
- Tạo cơ chế đánh giá thường xuyên về những rủi ro đến từ các chương trình Hộ chiếu vàng
- Tìm các giải pháp mới để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chống rửa tiền
- Xây dựng hệ thống để các thành viên EU cùng chia sẻ thông tin về những người nộp đơn bị từ chối
- Thực hiện các biện pháp chống lại các quốc gia thành viên vi phạm nguyên tắc, giá trị và mục tiêu của EU thông qua Hộ chiếu vàng
(Hiệp hội chống tham nhũng toàn cầu, dẫn đầu bởi Dự án báo cáo tội phạm và tham nhũng (OCCRP) đã hỗ trợ công tác minh bạch quốc tế trong báo cáo này.)
Những rủi ro về tham nhũng và tiềm ẩn ảnh hưởng xấu đối với cộng đồng đã khiến cho EU không thể làm ngơ thêm nữa. Thực tế những hành động của EU là cần thiết để chứng minh rằng: không biên giới hay hội nhập không đồng nghĩa với các thủ tục kiểm tra cẩu thả và gây nguy hiểm cho an toàn, an ninh của cả khu vực. Sau khi những báo cáo chính thức này được công bố, Ủy ban châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng về việc cung cấp hướng dẫn cho các quốc gia EU, cụ thể là cách quản lý các chương trình mua bán hộ chiếu và giấy phép cư trú cho các công dân nước ngoài giàu có. (Nguồn tin từ Schengen Visa info)
SG VISA Tổng hợp